Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về giáo dục. Ông nội tôi là một nhà giáo ưu tú, có nhiều năm công tác trên Ty giáo dục tỉnh Thanh Hóa. Theo lời các cụ trong làng (là học sinh của ông) kể, ông nội tôi là một người thầy rất nghiêm khắc trong dạy học nhưng cũng rất gần gũi với học trò, bởi thế học trò rất yêu mến và kính trọng ông. Vậy nên hàng năm, cứ đến ngày kỉ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và ngày tết, học trò cũ của ông ở khắp mọi nơi lại về tặng hoa cho ông, rồi cùng thầy ngồi hàn huyên bao nhiêu là chuyện cũ. Những hình ảnh đẹp đó đã có tác động rất lớn tới những thành viên trong gia đình tôi. Cho nên, ba thế hệ trong gia đình tôi đều có người theo nghề giáo: Từ Ông nội tôi, rồi bác và cô tôi; chị gái và em gái tôi cũng là giáo viên và đến tôi – tôi sẽ nối tiếp truyền thồng tốt đẹp của gia đình.
Những năm đèn sách trên ghế nhà trường, hình ảnh người thầy đã trở thành ấn tượng khó quên trong tôi. Thầy cô nơi ngôi trường tôi học luôn là những người rất tâm huyết với nghề, tận tụy với học sinh. Những người thầy, người cô ấy, vẫn hàng ngày miệt mài soạn giáo áo, không ngừng thay đổi và trau dồi bản thân để có thể dùng cách đơn giản mà thiết thực nhất để đưa từng con chữ đến với chúng tôi. Tôi nhìn thấy mái tóc thầy tôi bạc đi vì năm tháng, vì những lo âu cho học trò. Tôi thấy cô tôi vẫn luôn phải uống thuốc, vì bụi phấn khiến cô bị viêm xoang, và vì sự nhiệt huyết giảng giải tận tình khiến cổ họng cô quanh năm không khỏe. Tôi vẫn nhớ mãi cái ngày mưa bão, làng tôi ở bị ngăn cách bởi nước lũ nên chúng tôi phải tạm nghỉ học mấy hôm. Trong những ngày ấy, chính thầy cô là người luôn gọi điện hỏi han, động viên chúng tôi. Ngày trở lại trường, thầy cô đã nhiệt tình giảng lại những kiến thức bị ngắt quãng để giúp tôi bắt kịp với các bạn. Với tôi, những cử chỉ ân cần đó là nguồn động lực thúc đẩy tôi đến với nghề giáo.
Chị tôi từng chia sẻ: niềm vui của chị mỗi ngày tới trường là được truyền thụ kiến thức cho các em học sinh, nhưng hơn hết là được nghe các em tâm sự những câu chuyện của tuổi mới lớn (chị tôi là giáo viên dạy cấp 3 của một trường miền núi) rồi cùng các em sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống. Đó là niềm vui giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa của những người giáo viên tâm huyết với nghề. Chị luôn nhắc nhở chúng tôi: khi đã chọn nghề giáo viên, các em hãy nhớ môi trường giáo dục không chỉ đơn thuần là nơi truyền thụ kiến thức, đó là nơi chúng ta có cơ hội sẻ chia, đồng cảm với những tâm hồn, những trái tim mới lớn đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách, điều quan trọng là sự thấu hiểu giữa thầy cô và học trò. Cho nên “Muốn chạm đến trái tim hãy xuất phát từ trái tim”!
Từ những lời tâm sự của chị, tôi nhận thấy nghề giáo là một nghề nghiệp vô cùng cao quý. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn là người quan tâm gần gũi với các em, người mang năng lượng tích cực đến bao thế hệ học sinh để sản phẩm tạo ra là những con người có đạo đức và phẩm chất tốt đẹp. Có lẽ vì vậy mà không ít người nuôi dưỡng ước mơ trở thành người giáo viên, nhà giáo chân chính để tiếp tục con đường xây dựng nhà giáo mà thầy cô để lại. Còn với tôi, động lực để tôi đến với nghề giáo viên chính là ông nội tôi. Ông là tấm gương sáng về người thầy vĩ đại trong lòng tôi và mọi người, cho đến tận bây giờ, khi ông không còn trên cõi đời nhưng danh tiếng của ông vẫn còn lưu mãi tới bây giờ. Tôi rất tự hào khi được ai đó hỏi : cháu là con cháu nhà thầy giáo Bài phải không? Tôi cũng rất tự hào về các bác và cô tôi, những người vẫn ngày đêm truyền lửa kiến thức cho học trò. Và tôi vẫn luôn luôn khâm phục chị gái tôi, chị đã từ bỏ cơ hội được dạy dưới xuôi để lên Hòa Bình dạy học - một người chị trong bất kì hoàn cảnh nàovẫn luôn nở nụ cười với học trò thân yêu.
Có vô vàn lí do để bạn lựa chọn trở thành người giáo viên, còn lý do của tôi là những điều bình dị trong cuộc sống. Tôi muốn đưa kiến thức đến gần hơn với những đứa trẻ, trở thành một người ươm mầm tương lai. Tôi muốn nhìn thấy sự lớn lên của những hạt mầm ấy từng ngày, từng ngày. Kiến thức là vô hạn, và để vững bước trên con đường trở thành nhà giáo, tôi đã chọn khoa Vật lý - Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, một trong những ngôi trường ĐHSP hàng đầu cả nước. Với ước mơ và quyết tâm của mình, tôi sẽ không ngừng học tập và hoàn thiện bản thân để trở thành một nhà giáo ưu tú như Ông Nội tôi!
Lê Công Nguyên Tuấn, K47 Sư phạm Vật lý.
01/10/2024
Bài viết hưởng ứng cuộc thi “ SINH VIÊN HPU2 VỚI Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP - NĂM 2021”
05/10/2021