Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
02113.863.416
khoavatly@hpu2.edu.vn

SỨ MẠNG, TẦM NHÌN, GIÁ TRỊ CỐT LÕI, KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC, TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG ĐHSP HÀ NỘI 2

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là trường đại học công lập với bề dày hơn 50 năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng giáo viên. Trường là một trong 8 trường sư phạm chủ chốt của cả nước. Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 06/VBHN-BGDĐT ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trường có đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trẻ chiếm ưu thế, nhiệt huyết, giàu năng lực và khát vọng cống hiến vào các hoạt động nhà trường và của ngành giáo dục. Nhà trường hiện đang đào tạo 19 ngành bậc Đại học, 17 chuyên ngành bậc Thạc sĩ, 05 chuyên ngành bậc Tiến sĩ và nhiều chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo. Các chương trình đào tạo được tổ chức linh hoạt, mềm dẻo, đáp ứng nhu cầu và điều kiện học tập khác nhau của người học. 

Nhà trường đã xác định SỨ MẠNG, TẦM NHÌN, GIÁ TRỊ CỐT LÕI, KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC, TRIẾT LÝ GIÁO DỤC:

TUYÊN NGÔN SỨ MẠNG
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có sứ mạng đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ khoa học trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ trình độ tiên tiến, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học giáo dục, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khu vực nông thôn và miền núi phía Bắc với khu vực thành thị, thiết lập mô hình tiêu biểu về mạng lưới kết nối giữa trường sư phạm với các trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập của đất nước.

TẦM NHÌN
Tới năm 2030, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ:
Trở thành một trong những trường đại học sư phạm hàng đầu của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên khu vực phía Bắc và cả nước; là trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á về đào tạo giáo viên và kết nối với hệ thống các trường phổ thông, hướng tới các trường đại học sư phạm hàng đầu châu Á.
Cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao, đặc biệt là nghiên cứu khoa học giáo dục.
Đảm bảo người học tốt nghiệp có chất lượng cao, có năng lực làm việc, thích nghi, sáng tạo và tự học suốt đời.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI
 
UY TÍN - TRÍ TUỆ - CỐNG HIẾN
 

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC
Trường Đại học Sư phạm 2 đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn 2030. Đây là văn bản quản lý quan trọng, định hướng cho các hoạt động của Nhà trường theo 07 lĩnh vực:
    1. Tầm nhìn chiến lược, quản lý và đảm bảo chất lượng
    2. Chương trình đào tạo
    3. Nghiên cứu, phát triển và đổi mới
    4. Hoạt động đối ngoại
    5. Môi trường giáo dục và nguồn lực
    6. Hỗ trợ giảng dạy
    7. Hỗ trợ học tập
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cam kết tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt và tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đã đặt ra; quyết tâm đưa Nhà trường trở thành một trong những trường đại học sư phạm hàng đầu của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển các cơ sở đào tạo giáo viên khu vực phía Bắc và cả nước; là trường đại học có uy tín ở khu vực Đông Nam Á về đào tạo giáo viên và kết nối với hệ thống các trường phổ thông, hướng tới các trường đại học sư phạm hàng đầu châu Á. Chi tiết về Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2017-2022, tầm nhìn 2030 và Phụ lục.  

TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

NHÂN VĂN - KHAI PHÓNG - HỘI NHẬP

 1. Ý nghĩa của Triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 là quan điểm, tư tưởng cốt lõi định hướng và liên kết các hoạt động giáo dục của Nhà trường. Với tinh thần Nhân văn - Khai phóng - Hội nhập”, Nhà trường hướng tới mục tiêu đào tạo người học có đầy đủ các phẩm chất và năng lực cần thiết để thích ứng và thành công trong bối cảnh môi trường nghề nghiệp, môi trường xã hội đa dạng, luôn biến đổi và phát triển.

2. Nội dung của Triết lý giáo dục

NHÂN VĂN: Lấy người học làm trung tâm để phát triển hài hòa, toàn diện phẩm chất và năng lực, thấm nhuần các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

KHAI PHÓNG: Trang bị nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc, phát huy tối đa tiềm năng con người, hình thành tư duy mở, chủ động đón nhận và sáng tạo cái mới, cái tiến bộ.

HỘI NHẬP: Đào tạo theo hướng hiện đại và chuẩn mực quốc tế nhằm hình thành ở người học năng lực học tập, nghiên cứu và làm việc trong môi trường đa văn hóa.



Tags:


Bài viết khác