GS. Ginestie Jacques công tác tại Aix-Marseille Université (Công hòa Pháp)
Nhận lời mời của Khoa Vật lý – Trường ĐHSP Hà Nội 2, sáng ngày 11/12/2019, GS. Ginestie Jacques công tác tại Aix-Marseille Université (Công hòa Pháp), từng là thành viên hội đồng Khoa học công nghệ của UNESCO, đã có buổi trao đổi với giảng viên các khoa Vật lý, Hóa học, Sinh học – KTNN và các bạn sinh viên về hệ thống giáo dục ở Pháp nói chung và giáo dục STEM trong các môn Khoa học ở Pháp.
Tại buổi trao đổi, GS. Ginestie Jacques cho biết ở Pháp hiện nay, vấn đề đào tạo giáo viên (GV) và chương trình giáo dục ở nhà trường luôn đổi mới thường xuyên và vẫn đang tiếp tục thay đổi.
Về chương trình đào tạo GV ở Pháp, GS. Ginestie Jacques đã chỉ ra một số điểm quan trọng như: Các cơ sở đào tạo giáo viên ở Pháp tập trung vào hai mảng là Khoa học giáo dục và Khoa học về phương pháp. Ông nhấn mạnh rằng trước khi nghiên cứu các kiến thức và phương pháp để dạy học thì sinh viên phải hiểu được cách thức một đứa trẻ học như thế nào (Tức cơ sở sinh học và tâm lí học). Hơn nữa, sinh viên được đào tạo theo hướng đa môn, chứ không phải liên môn. GS. Ginestie Jacques cũng cho biết trong thời gian đào tạo, các sinh viên có ba lần thực tập tại các trường học (Ở những nơi có điều kiện và không có điều kiện về kinh tế), trong thời gian này sinh viên sẽ phải làm một tiểu luận (nghiên cứu) thay vì được giáo viên hướng dẫn cho điểm số để đánh giá, kết quả tiểu luận đó sẽ là một tiêu chí để đánh giá trong kỳ thi tuyển giáo viên. Cuối cùng, GS. Ginestie Jacques nhấn mạnh rằng người GV ở Pháp luôn vừa là người dạy học vừa là người nghiên cứu (chẳng hạn giáo viên có thể phát triển chương trình môn học, chứ không chỉ thực thi mỗi dạy học như người “công nhân”).
Về chương trình giáo dục nói chung và vấn đề giáo dục STEM trong các môn Khoa học ở Pháp, GS. Ginestie Jacques nhấn mạnh mục tiêu của nền giáo dục ở Pháp hiện nay không còn chú trọng dạy kiến thức mà là làm thế nào để đào tạo được những công dân có trách nhiệm và giải quyết được các vấn đề của xã hội và đất nước. Để làm được điều đó, trước hết nội dung giáo dục trong đó có nội dung về khoa học, công nghệ (ở Pháp, STEM chỉ gồm khoa học và công nghệ) phải xuất phát từ thực tiễn và nó nên được bối cảnh hóa vào trong lớp học. Tiếp đến là phương pháp dạy học, thay vì chỉ dạy theo một phương pháp (chẳng hạn phương pháp thực nghiệm để dạy học Vật lí đã được GV ở Pháp sử dụng cách đây 20 năm) thì giờ GV cần tạo kiều kiện để HS có thể giải quyết vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Cũng trong quá trình dạy học hiện nay ở Pháp, GS. Ginestie Jacques nhấn mạnh rằng GV rất quan tâm đến cách HS có được các kiến thức như thế nào (họ đã học như thế nào?) hay làm thế nào để có thể dạy được các HS hiếu động?
Cuối buổi trao đổi, GS. Ginestie Jacques đã chia sẻ một vấn đề mà nền giáo dục ở Pháp đang gặp phải. Đó là mục tiêu ban đầu của chương trình là đào tạo những HS đáp ứng được các yêu cầu cùa xã hội, nhưng kết quả thu được luôn thấp hơn sự kì vọng của phụ huynh và xã hội. Đó có lẽ là một trong các lí do khiến giáo dục luôn phải đổi mới.
Một số hình ảnh trong buồi seminar: